Tìm hiểu về những vấn đề trong đời sống không chỉ giúp các em làm được những bài văn nghị luận xã hội mà còn giúp mở mang vốn sống. Dưới đây là cách Soạn bài Thảo luận về một vấn đề trong đời sống (kết nối tri thức). Cùng tìm hiểu ngay với VUIHOC nhé!
Soạn bài Thảo luận về một vấn đề trong đời sống (kết nối tri thức)
Mục lục bài viết
Soạn bài Thảo luận về một vấn đề trong đời sống (kết nối tri thức)
1. Bài nói tham khảo 1:
2. Bài nói tham khảo 2
Soạn bài Thảo luận về một vấn đề trong đời sống (kết nối tri thức)
1. Bài nói tham khảo 1:
Ngay từ khi xuất hiện, ngôn ngữ đã hết sức đa dạng, sinh động. Mỗi quốc gia có một thứ tiếng riêng cùng tất cả tình yêu và tự hào, chúng ta trìu mến gọi đó là “tiếng mẹ đẻ”. Nhưng liệu rằng, chỉ biết riêng tiếng nước mình như thế có đủ? Bàn về vấn đề này, chúng ta đã nhận rõ được tầm quan trọng trong việc học ngoại ngữ.
Ngoại ngữ với vai trò giao tiếp và là con đường kết nối chúng ta với những người bạn trên toàn cầu, mà mỗi người bạn đó sẽ là một người thầy dạy cho chúng ta nhiều điều bổ ích. Còn gì tuyệt vời hơn nếu trong bối cảnh một buổi triển lãm tranh chúng ta có thể trao đổi cảm nhận của mình với một người nào đó đến từ Ý – một người được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của hội họa Phục Hưng, để cùng nhau sẻ chia cảm nhận cá nhân và cũng để có cái nhìn toàn diện nhất khi rung cảm nghệ thuật được soi chiếu bằng cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Cũng tương tự như thế với mọi ngành nghệ thuật và khoa học khác.
Hơn thế nữa, ngoại ngữ còn giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp. Có thể bạn sẽ chỉ sống ở đất nước Việt Nam, không đặt mục tiêu làm việc hoặc du lịch đến một đất nước khác, nhưng bạn có chắc rằng sẽ không bao giờ sẽ gặp phải một du khách nước ngoài hỏi đường hay nhờ giới thiệu về những danh lam thắng cảnh của quê hương. Hơn thế nữa, ngoại ngữ với vai trò là phương tiện về tư duy sẽ giúp chúng ta có thể tiếp thu được kho tàng tri thức của nhân loại. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi internet đã trở nên vô cùng phổ biến và các công cụ tìm kiếm trên mạng cũng ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Ta có thể dễ dàng tìm được các công trình nghiên cứu hoặc các tài liệu khoa học về bất kì ngành nghề nào mà mình quan tâm.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng phần lớn những tài liệu này được viết bằng tiếng Anh – ngôn ngữ chuẩn quốc tế hiện nay. Khi ấy, nếu chúng ta sử dụng thành thạo tiếng Anh, thì chẳng phải chúng ta có thể dễ dàng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại hay sao. Tất nhiên, sẽ có người nói rằng chúng ta có thể tìm đến người phiên dịch hoặc dựa vào những công cụ chuyển đổi ngôn ngữ. Nhưng tất nhiên, trong chúng ta ai cũng biết công cụ chuyển đổi ngôn ngữ đã được lập trình sẵn nên dịch theo nghĩa đơn lẻ, từng từ một. Do đó, rất khó để có thể hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của văn bản mà chúng ta cần. Nhờ người phiên dịch có thể sẽ dễ dàng hiểu hơn, nhưng sẽ chẳng bao giờ bạn được khám phá vấn đề một cách trực tiếp bằng cảm quan của mình mà luôn phải vay mượn góc nhìn và góc cảm nhận của người khác.
Mặc dù có ý nghĩa to lớn như thế nhưng thực trạng học ngoại ngữ của chúng ta ngày nay chưa mấy khả quan. Đại đa số học sinh học tiếng Anh trong suốt nhiều năm tại trường nhưng không thể sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ. Nhiều người chỉ có thể làm các bài tập về ngữ pháp mà không thể nói hay nghe một câu ngoại ngữ đơn giản. Phần lớn mọi người đều cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi học tiếng Anh và dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Song nguyên nhân trực tiếp vẫn là do chúng ta chưa nhìn nhận vai trò hết sức quan trọng của ngoại ngữ một cách đúng đắn. Mặc dù ngoại ngữ là một môn thi bắt buộc trong kì thi trung học phổ thông quốc gia, nhưng nhiều bạn học sinh còn học đối phó hoặc trì hoãn “để mai tính”. Đi kèm với đó là thái độ học sao nhãng, chưa kiên trì và khả năng tự học cũng chưa cao. Sự e dè và ngần ngại giao tiếp cũng trở thành rào cản trong quá trình sử dụng ngoại ngữ.
Mỗi chúng ta đều có ít nhất bảy năm để học ngoại ngữ trên ghế nhà trường. Bởi vậy, sự cập nhật và đổi mới phương pháp giáo dục trong các trường học là giải pháp đầu tiên cần thực hiện. Những hoạt động ngoại khóa sẽ là sân chơi vô cùng bổ ích và là nơi để mỗi học sinh có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Sự cách biệt giữa những vùng miền phải được rút ngắn bằng cách chú trọng đầu tư vào những vùng còn khó khăn. Và hơn hết, mỗi chúng ta cần phải tự ý thức về tác dụng hết sức to lớn của ngoại ngữ và thế giới mới mẻ, tươi đẹp mà ngoại ngữ mang đến để có ý thức trau dồi, kiên trì và cố gắng vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập ngoại ngữ. Năng động và mạnh dạn trong quá trình giao tiếp với người nước ngoài, đọc nhiều bài nghiên cứu ngắn về lĩnh vực yêu thích, nghe nhạc và xem những bộ phim ý nghĩa bằng ngôn ngữ gốc. Sử dụng ngoại ngữ như một thể đối sánh để khắc sâu những đặc điểm của tiếng Việt, để sử dụng đúng, sử dụng tốt tiếng nước mình và ngược lại.
Xã hội hiện đại đã biến ngoại ngữ thành chiếc chìa khóa vạn năng mở ra được hàng ngàn thế giới mới. Có nắm bắt được chiếc chìa khóa ấy hay không còn phụ thuộc vào suy nghĩ, quyết định và hành động của chúng ta vào ngày hôm nay.
2. Bài nói tham khảo 2
Chào thầy/ cô và toàn thể các bạn, hôm nay em sẽ trình bày về một vấn đề là tôn trọng sự khác biệt của người khác. Như mọi người đã biết, cuộc sống luôn đa dạng và thay đổi từng ngày. Con người cũng thế, họ đều mang trong mình những nét riêng về cả hình dáng, phẩm chất và suy nghĩ. Vậy mà, trong xã hội, chúng ta vẫn luôn gặp những người nói xấu sau lưng, những câu nói chê bai về ngoại hình, tính cách và phong cách ăn mặc… của người khác. Điều ấy quá sai và đáng bị phê phán, lẽ nào tôn trọng nét khác biệt của người khác lại khó tới vậy?
Trước tiên ta phải tìm hiểu, tôn trọng sự khác biệt nghĩa là gì? Sự khác biệt ở đây có thể hiểu là những nét riêng và đặc trưng của một người, sự vật nào đó mà chỉ cần nhắc về đặc điểm đó, ta có thể hình dung ngay ra người đó là ai. Ngay cả con người cũng như vậy, đều mang trong mình sự khác biệt riêng. Tôn trọng sự khác biệt đó chính là sự tôn trọng những điều này. Như trong cuộc sống hàng ngày, ta thường bắt gặp sự khác biệt của mọi người so với quy luật chuẩn về đạo đức mà con người đã tạo ra cho mình. “Ôi! Cô này ăn mặc hở hang quá!... Cô này xấu quá!... Cô này dễ tính quá….” Đó là những lời nói tưởng chừng rất bình thường nhưng nó đều đang mang theo một sự thiếu tôn trọng trong đó.
Người biết tôn trọng những sự khác biệt là người biết lắng nghe quan điểm và chia sẻ góc nhìn của người khác một cách thật trân trọng và tỉ mỉ. Mặc dù đôi lúc, chúng ta không đồng tình với quan điểm của họ nhưng cũng không nên vùi dập hay hạch sách suy nghĩ của họ. Ai cũng gọi đo là cái lý của mình, không ai giống nhau cả, nhưng chúng ta cần đặt mình vào suy nghĩ của những người khác để thấu hiểu cho sự khác biệt của họ hơn. Và từ đó, chắc chắn bạn sẽ rút ra được những bài học và ngày càng hoàn thiện cho bản thân hơn. Như trong một giờ học, phát biểu của bạn có mang theo kiến thức và quy luật thông thường như trong sách vở đã dạy, nó sẽ được tất cả mọi người công nhận. Nhưng bạn của bạn, bạn ấy có cái suy nghĩ khác và đưa ra cách giải quyết vấn đề khác so với sách vở nhưng nó lại hết sức hợp lý và sáng tạo. Nhiều người trong lớp chắc hẳn sẽ thấy đó là điều rất vô lý và bài trừ. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, sự sáng tạo là vô hạn và nó giúp cho bản thân chúng ta ngày càng phát triển. Nếu nhìn nhận sự việc theo một góc độ khác bạn sẽ thấy phát biểu của bạn đó hay và mình cần phải học hỏi sự sáng tạo đó. Điều này sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình phát triển bản thân.
Viết bài văn nghị luận hay đã khó, để nói một vấn đề hay trước nhiều người chắc chắn còn khó hơn. Nhiều bạn vẫn chưa tự tin với bài nói của mình hoặc không biết phải trình bày bài nói như thế nào. Soạn bài Thảo luận về một vấn đề trong đời sống (kết nối tri thức) cùng VUIHOC sẽ giúp các em chuẩn bị bài nói tốt nhất. Nếu các em muốn tham khảo thêm soạn văn 11 kết nối tri thức hay thậm chí là những kiến thức của môn học khác thì hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn và đăng ký những khoá học để trải nghiệm học cùng thầy cô VUIHOC ngay nhé!
https://vuihoc.vn/tin/thpt-soan-bai-thao-luan-ve-mot-van-de-trong-doi-song-ket-noi-tri-thuc-2356.html